Wednesday, April 4, 2012

Doanh nghiep bi hanh vi ghi nhan hang xuat khau bang tieng Anh

SGTT.VN - Công ty cổ phần dệt may Huế đã hai lần bị lực lượng quản lý thị trường Bình Định và Bình Thuận giữ xe hàng với lý do nhãn hàng hóa xuất khẩu mà doanh nghiệp ghi trên thùng carton không thể hiện bằng tiếng Việt.

Công ty này cho biết, do yêu cầu của hợp đồng sản xuất xuất khẩu với đối tác nước ngoài, thì "shipping mark" phải được duyệt theo nội dung khách hàng yêu cầu trước khi được in trên thùng carton. Và cụ thể, đối tác yêu cầu shipping mark phải được thể hiện bằng tiếng Anh ở các nội dung như kiểu dáng, kích cỡ, cảng đến…

Theo công ty, những nội dung này cũng được quy định trong điều 5.3 của nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30.9.2006 về nhãn hàng hóa: "Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hóa".

Tuy nhiên, khi quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa trên xe vào cảng lại chỉ căn cứ vào điều 9 của nghị định này, quy định ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa: "Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt".

Đại diện công ty phản ánh, việc bị quản lý thị trường lưu giữ xe để chờ giải quyết chỉ vì lý do trên đã gây khó khăn và rủi ro lớn cho công ty, vì không còn đủ thời gian để vận chuyển kịp đến cảng và đóng vào container xếp lên tàu. Công ty đã kiến nghị lên hiệp hội Dệt may Việt Nam nhờ hướng dẫn về cơ sở pháp lý trong việc này.

Ông Tăng Văn Hấn, phó tổng thư ký hiệp hội Dệt may Việt Nam, người được hiệp hội giao giải quyết vụ việc cho biết, chưa thể nói ai đúng ai sai trong vụ việc này. "Một khi đã bị lực lượng chức năng giữ thì thông thường, cơ quan chức năng có cái lý của họ. Song cũng không loại trừ quản lý thị trường hiểu máy móc", ông Hấn nói.

Theo ông Hấn, hiệp hội sẽ tìm hiểu xem có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp vụ việc tương tự hay không, hay cách thức họ ghi nhãn hàng xuất khẩu thế nào mà không bị quản lý thị trường giữ lại. Từ đó sẽ hướng dẫn doanh nghiệp làm theo, còn nếu họ đã làm đúng thì sẽ kiến nghị cơ quan quản lý thị trường xem lại.

Tuy nhiên, ngày 6.7, tại hội nghị giao ban xuất nhập khẩu của bộ Công thương, tổng thư ký hiệp hội Dệt may Việt Nam, bà Đặng Phương Dung tiếp tục bức xúc: hiệp hội đã có công văn gửi lên cục Quản lý thị trường (bộ Công thương) phản ánh vấn đề này, nhưng câu trả lời của cục này là không thỏa đáng, không rõ ràng, không phân định việc quản lý thị trường Bình Thuận và Bình Định giữ xe của doanh nghiệp là đúng hay sai.

"Họ cũng không nói việc ghi nhãn hàng của doanh nghiệp như thế là đúng quy định chưa. Như vậy, doanh nghiệp cũng không biết phải giải thích ra sao trong trường hợp tiếp tục bị lực lượng quản lý thị trường giữ xe hàng, khiến doanh nghiệp thiệt hại vì chậm giao hàng", bà Dung nói.

Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment